Vào năm 2018 kính thiên văn không gian James Webb (JWST) của NASA sẽ bay vào không gian khám phá vũ trụ. Tuy nhiên, NASA không dừng lại ở đó mà bắt đầu đặt ra kế hoạch thám hiểm không gian lâu dài với hi vọng phát hiện ra sự sống ngoài hành tinh.
Các nhà khoa học và kĩ sư tại Trung tâm Goddard Space Flight của NASA ở Greenbelt, Maryland hiện đang nghiên cứu các yêu cầu khoa học kĩ thuật và chi phí liên quan để xây dựng kính thiên văn Atlast. Atlast sẽ tận dụng những tiến bộ công nghệ tiên phong của kính thiên văn JWST, chẳng hạn như chuỗi gương lớn phân đoạn. Nó sẽ mang trọng trách kế nhiệm kính thiên văn Hubble.
Ngoài việc nghiên cứu sự hình thành các sao và thiên hà, Atlast có thể phân tích các ngôi sao trong thiên hà cách Trái Đất hơn 10 triệu năm ánh sáng và khu vực hình thành sao có kích cỡ 325 năm ánh sáng ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ.
Để đạt được hiệu quả tốt nhất, đài quan sát Atlast sẽ hoạt động trên quỹ đạo Sun-Earth (L2), cách trái đất khoảng 1,5 triệu km, bên ngoài quỹ đạo của Mặt trăng, cùng với quỹ đạo chọn cho JWST.
Điều quan trọng nhất là Atlast sẽ phải mang theo một tấm gương chính rất lớn - thậm chí lớn hơn cả JWST, đó sẽ là gương phân đoạn lớn nhất từng sử dụng của NASA và có bề mặt hội tụ ánh sáng lớn hơn so với các kính thiên văn khác.
Atlast có khả năng hội tụ ánh sáng gấp mười bảy lần so với gương của kính thiên văn Hubble. Nó sẽ đạt được các mục tiêu khoa học quan trọng mà các đài quan sát trên mặt đất không thể thực hiện hoặc với bất kì nhiệm vụ không gian nào trong tương lai.