Máy tính

Điện thoại

Khoa học & Công nghệ

Thiết bị công nghệ

Portfolio

Cars Tech

» » Các bác sĩ lần đầu tiên cấy ghép thành công "quả tim đã chết" cho 3 bệnh nhân tại Úc

Heart-in-a-box - cỗ máy giúp hồi sinh quả tim đã chết, giúp nó đập lại và bảo tồn các mô​

Bằng phương pháp bảo quản hoàn toàn mới, các bác sĩ tại bệnh viện Thánh Vincent, Australia đã hồi sinh một quả tim chết 20 phút và cấy ghép thành công cho 3 bệnh nhân cần phẫu thuật thay thế tim. Đây là lần đầu tiên một quả tim đã ngừng đập được hồi sinh thành công, hứa hẹn tạo ra một phương pháp bảo quản tim hoàn toàn mới, giảm yêu cầu khắt khe của quy trình hiến tim và tạo nên tia hy vọng mới cho các bệnh nhân đang chờ ghép tim.

Theo truyền thống, những trái tim hiến tặng sẽ được lấy ra khỏi cơ thể sau khi não bệnh nhân chết hoàn toàn nhưng vẫn đảm bảo cho quả tim vẫn còn tiếp tục đập. Nếu quả tim ngừng đập, lập tức nó sẽ thiếu oxy khiến các tế bào tim chết đi và không còn khả năng cấy ghép cho bệnh nhân. Do đó, các bác sĩ cần lấy một một quả tim với đầy đủ chức năng, đông lạnh và thực hiện cấy ghép cho người nhận trong vòng 4 giờ để đảm bảo chất lượng vẫn còn tốt nhất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến quy trình cho - nhận tim trở nên vô cùng phức tạp và khó thực hiện hơn so với các nội quan khác. Điển hình như người ta có thể sử dụng thận và gan sau khi tim người hiến đã ngừng đập, nhưng một trái tim đã chết sẽ không bao giờ được sử dụng.

Chính rào cản về thời gian đã trở thành rào cản vô cùng lớn trong quá trình cho - nhận tim. Như ta đã biết, việc tìm một quả tim phù hợp hoàn toàn với người nhận là vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, nếu 2 người cho và nhận đang ở cách xa nhau, thì giới hạn 4 giờ đồng hồ khiến cho quá trình càng khó khăn hơn gấp bội và từ trước đến nay, điều này dường như phụ thuộc quá nhiều vào cơ may.

 Bằng cách đặt quả tim vào chiếc máy heart-in-a-box, liên tục bơm máu nóng, các bác sĩ đã giúp quả tim đập lại, đồng thời duy trì các mô tim khỏi tịnh trạng thiếu oxy, giúp kéo dài thời gian bảo quản hơn​

Tuy nhiên sau 12 năm nghiên cứu, nhóm các bác sĩ dẫn đầu bởi giáo sư Bob Graham tại Viện tim Victor Chang và Bệnh viện Thánh Vincent đã phát triển thành công một kỹ thuật hoàn toàn mới cho phép có thể tái sử dụng một quả tim đã ngừng đập, từ đó tạo ra một nguồn cung cấp tim dồi dào hơn so với hiện nay. Cụ thể, các bác sĩ lấy quả tim đã ngừng đập ra khỏi người hiến và đặt vào cỗ máy có tên là "heart-in-a-box", bên trong chứa một chất lỏng đặc biệt và máy bơm cung cấp oxy giúp bảo toàn mô tim.

Về cơ bản, cỗ máy này sẽ hồi sinh quả tim bằng cách bơm máu ấm vào nó. Khi quả tim có dấu hiệu chuyển sang màu xanh do thiếu oxy, máu ấm sẽ lập tức được bơm vào giúp nó chuyển sang màu hồng và tiếp tục đập bình thường. Bác sĩ Peter MacDonald cho biết: "Chúng tôi loại bỏ máu của người hiến ra khỏi quả tim. Sau đó, chúng tôi lấy quả tim ra, kết nối nó với cỗ mãy và làm ấm nó. Và ngay khi quả tim ấm lên, nó sẽ bắt đầu đập. Tiếp theo, ngay khi bệnh nhân sẵn sàng, quả tim sẽ được lấy ra khỏi máy và đặt trở lại vào lồng ngực để hoạt động bình thường."

Với kỹ thuật bảo quản mới, các bác sĩ không cần phải tìm bệnh nhân chết não nhưng tim còn đập mà hoàn toàn có thể sử dụng tim của những người hiến đã ngừng đập, miễn là nó phù hợp với cơ thể của người nhận. Điều này đồng nghĩa với số lượng tim dùng để cấy ghép sẽ tăng lên đáng kể do 1 yêu cầu khó khăn đã được loại bỏ. Ngoài ra, giới hạn về thời gian cấy tim cũng được nới rộng ra do kỹ thuật mới có thể giúp bảo tồn mô tim khỏi bị tổn hại do thiếu oxy.

Cho tới hiện tại, mới chỉ có 3 bệnh nhân được cấy ghép thành công "tim chết". Đồng thời, kỹ thuật trên vẫn chưa thể áp dụng một cách phổ biến tại các bệnh viện thông thường và các bác sĩ vẫn còn tiếp tục thực hiện nhiều nghiên cứu lâm sàng để hoàn thiện phương pháp bảo quản nói trên. Tuy nhiên, kỹ thuật trên đã thắp sáng lên tia hy vọng cho những bệnh nhân thuộc danh sách chờ hiến tạng, giúp rút ngắn thời gian chờ đợi và giảm thiểu mức độ phức tạp của quy trình hiến tim. Michelle Gribilar, nữ bệnh nhân 57 tuổi tại Sydney, người đầu tiên nhận "quả tim chết" đã bộc lộ niềm vui: "Tôi cảm thấy như mình chỉ mới 40 tuổi. Tôi thật sự rất may mắn. Tôi dường như trở thành một người hoàn toàn khác."

Theo: WEBMD, BBC, Theverge​, Tinhte

Nguyễn Toàn Trung

Welcome LCD10's technews website. LCD10 Community of Technology
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Select Menu